Đề phòng nguy hại từ những loại hạt trong ngày Tết
Vào dịp Tết, ngoài bánh, kẹo, mứt thì những loại hạt như hạt bí, hạt hướng dương, hạt dẻ cười… không thể thiếu. Tuy nhiên, nếu ăn không đúng cách các loại hạt ngày Tết cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy cho sức khỏe.
Xem thêm:
- 5 mẹo hữu ích giúp bạn tiết kiệm tiền khi mua sắm quần áo ngày Tết
- Cẩn trọng với những thực phẩm bẩn ngày Tết có thể gây hại đến sức khỏe
- Tham khảo ngay những mẹo nhỏ sẽ giúp ích cho quá trình giảm cân đón Tết của bạn
Họng dễ kích ứng khi ăn quá nhiều
Vào những ngày Tết, hầu như nhà nào cũng mua không ít thì nhiều các loại hạt như hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương, hạt dẻ cười, hạt đậu xanh, đậu đỏ rang lên… để tiếp khách. Các loại hạt đều có vị thơm ngon. Ăn các loại hạt này không chỉ giúp chúng ta nhâm nhi vui miệng mà việc sử dụng hạt hợp lý trong khẩu phần ăn còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Các loại hạt cung cấp nhiều vitamin (vitamin nhóm B, E…), chất xơ, sắt, magie, những chất chống ôxy hóa… Chẳng hạn, hạt hướng dương chứa lượng lớn phytochemical, folate, vitamin E, selenium và đồng. Các dưỡng chất này khi vào cơ thể góp phần ngăn ngừa các bệnh tim mạch, chống xơ vữa động mạch. Hạt dưa giàu protein, vitamin nhóm B, hàm lượng kali rất cao nên có giá trị dinh dưỡng và phòng chữa bệnh tim mạch, tăng huyết áp. Trong khi đó hạt bí ngô có tác dụng bảo vệ xương, chữa bệnh ung thư tuyến tiền liệt…
Tuy các loại hạt được kể trên có giá trị dinh dưỡng cao nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy với sức khỏe nếu dùng quá nhiều. Cũng như các thực phẩm khác, không phải ăn thế nào cũng tốt. Các loại hạt khi ăn thường cho chúng ta cảm giác lo lâu. Ăn quá nhiều hạt trong ngày Tết lại không cân đối khẩu phần ăn rất dễ gây ra thừa cân, béo phì… Khi ăn hạt cần lưu ý hạn chế uống nước lạnh, bia rượu, hút thuốc lá, nói quá nhiều… cùng lúc vì càng làm kích ứng họng dẫn tới hiện tượng mất tiếng, khàn giọng bởi các loại hạt giàu chất béo, lượng chất béo trong hạt đã kích thích niêm mạc họng.
Dịp Tết chúng ta nên ăn trái cây có nhiều Beta caroten là tiền chất của vitamin A. Để hấp thu được Beta caroten chúng cần có chất béo nên có thể kết hợp với các loại trái cây khi ăn các loại hạt để tăng cường hấp thu vitamin.
Các chuyên gia thực phẩm cho rằng, các loại hạt có nhiều tinh dầu nên rất dễ bị nấm mốc làm hạt có vị the, đắng. Nấm mốc sinh ra các độc tố gây ung thư như aflatoxin, ozchatoxin… Ngoài ra, các loại hạt cũng rất dễ bị các cơ sở sản xuất dùng hóa chất chống mốc để bảo quản. Nếu chẳng may mua và ăn phải các loại hạt dùng hóa chất chống mốc sẽ sinh độc trong cơ thể, tích lũy dần dần làm tổn thương gan, thận… Bởi vậy để hạn chế khả năng nhiễm độc, người tiêu dùng nên mua các loại hạt còn sống sau đó rửa sạch bằng nước để ráo rồi mới rang chín.
Xử lý khi trẻ hóc hạt
Sử dụng các loại hạt ngày Tết, các bậc cha mẹ cần phải hết sức cảnh giác khi trong nhà có trẻ nhỏ, nhất là dưới 3 tuổi. Hàng năm có rất nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra với trẻ do dị vật đường thở. Có trường hợp gây tắc nghẽn đường thở không được sơ cứu kịp thời dẫn đến tử vong. Nhiều trường hợp được cứu sống nhưng do dị vật hóc quá lâu gây ra tình trạng thiếu ôxy lên não dẫn đến những biến chứng tinh thần, vận động về sau.
Điều đầu tiên là không nên để dị vật rơi vào đường thở, đó là biện pháp tốt nhất. Trẻ con đặc biệt từ 6 tháng đến 4-5 tuổi rất dễ bị hóc dị vật, do đó khi ăn uống nên ngồi một chỗ không nên nô đùa, hoặc làm các động tác có phản xạ. Nếu thấy trẻ khóc, ho, tím tái, cần xử trí.
Đối với trẻ bị hóc dị vật thì khâu cấp cứu tại chỗ rất quan trọng cần được làm ngay sau đó mới đưa đi bệnh viện. Người nhà cần tránh trường hợp khi thấy bé bị hóc, mặt tím tái không tiến hành sơ cứu ngay mà tức tốc bế đi bệnh viện thì nguy cơ tử vong của trẻ rất lớn.
Tuy nhiên, nếu bố mẹ càng móc tay vào miệng trẻ thì làm cho dị vật càng sâu, phù nề hơn. Chính vì thế, phụ huynh nên động viên trẻ nhè ra. Nếu trẻ không còn phản xạ để nhè dị vật ra, bố mẹ có thể bế trẻ thốc trẻ lên để đầu hướng xuống đất, vỗ đứa trẻ để dị vật rơi ra rồi mới đưa đi cấp cứu. Có vài khả năng xảy ra như: Ho và dị vật rơi ra; Tắc ngay tại đó, gây khó thở, tím tái; Tịt xuống dưới phổi, không có cách nào gỡ ra được, trường hợp này phải nhờ đến nhân viên y tế nội soi phế quản, gây mê mới làm được.
Đối với trẻ khoảng 14-15 tuổi khi bị hóc thì phụ huynh nên bế, ôm trẻ vào người, lấy hai bàn tay quấn quanh bụng và ấn tay, sốc phần bụng lên 5 cái để cho trẻ ho bật. Cha mẹ khi nhìn thấy trẻ ho, bật dị vật ra rồi thì thôi. Khi thấy trẻ thở được, hồng hào trở lại mới bế đi bệnh viện.
Tuyệt đối không vuốt xuôi bởi điều này vô tình khiến dị vật chui sâu vào phổi khiến tình trạng trở nên nguy hiểm hơn. Sau khi làm thao tác như trên mà dị vật không bắn ra được, phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế.