Bệnh lậu ngày càng trở nên khó điều trị vì kháng kháng sinh

Bởi Tâm
Spread the love

Các nhà khoa học cảnh báo về tình trạng kháng kháng sinh của bệnh lậu – căn bệnh bình dục có thể lây nhiễm sang bộ phận sinh dục, trực tràng và họng. Căn bệnh này có thể lây truyền sang người khác thông qua tình dục, nhất là với những người có quan hệ tình dục đường miệng và không dùng bao cao su.

Các chuyên gia của WHO đã đưa ra chi tiết của cuộc nghiên cứu cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng kháng thuốc ở bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) này. Các chuyên gia cho biết, sẽ “chỉ là vấn đề thời gian” và các loại kháng sinh chữa bệnh lậu sẽ không còn tác dụng.

Bệnh lậu ngày càng trở nên khó điều trị vì kháng kháng sinh - Ảnh 1.

Có ít nhất 3 người trên toàn thế giới đã bị nhiễm bệnh lậu cầu do siêu vi khuẩn kháng thuốc.

“Vi khuẩn gây bệnh lậu rất thông minh. Cứ mỗi lần có loại kháng sinh mới được đưa vào điều trị bệnh, nó đều phát triển để kháng lại thuốc”, Teodora Wi, một chuyên gia về sinh sản ở cơ quan y tế LHQ tại Geneva nói.

WHO ước tính có tới 78 triệu người mỗi năm bị bệnh lậu, một chứng bệnh lây nhiễm qua đường tình dục có thể lây sang bộ phận sinh dục, trực tràng và họng.

Hầu hết các bệnh nhiễm trùng không có triệu chứng cụ thể và có thể dẫn đến những tác hại như viêm khung chậu, thai ngoài tử cung, vô sinh, tăng nguy cơ nhiễm HIV…

Chuyên gia Teodora Wi cho biết thêm, 3 trường hợp cụ thể bị bệnh lậu đã không đáp ứng được với thuốc kháng sinh (1 trường hợp ở Nhật, 1 ở Pháp và 1 ở Tây Ban Nha). Những bệnh nhân này dễ dàng lây nhiễm sang người khác và đây có thể chỉ là đỉnh của tảng băng trôi, vì không phải quốc gia nào cũng có các hệ thống để chẩn đoán và báo cáo các ca nhiễm kháng thuốc không thể chữa. Ở những quốc gia có thu nhập thấp, bệnh lậu rất phổ biến nhưng hệ thống chẩn đoán lại không phát triển.

Chương trình của WHO về giám sát xu hướng bệnh lậu kháng thuốc được tìm thấy trong một nghiên cứu từ năm 2009 đến năm 2014. Nghiên cứu này phát hiện sự kháng thuốc rộng rãi đối với thuốc ciprofloxacin dòng đầu tiên, tăng sức đề kháng với một loại thuốc kháng sinh khác là azithromycin và lựa chọn điều trị cuối cùng là cephalosporins phổ rộng (ESCs).

Bệnh lậu ngày càng trở nên khó điều trị vì kháng kháng sinh - Ảnh 2.

Cơ quan của Liên Hợp Quốc cho biết, kháng kháng sinh trong các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục đã tăng lên nhanh chóng.

Ở hầu hết các quốc gia, ESCs hiện nay là kháng sinh duy nhất còn hiệu quả để điều trị bệnh lậu. Tuy nhiên, đã có sự kháng thuốc đối với dòng kháng sinh này được báo cáo ở 50 quốc gia.

Manica Balasegaram, giám đốc của Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Kháng sinh toàn cầu, cho biết tình hình đã trở nên “nghiệt ngã” và trở thành “nhu cầu cấp bách” đối với các loại thuốc mới.

Ông nói với các phóng viên: “Chúng ta cần khẩn trương nắm bắt cơ hội mà chúng ta có với các loại thuốc và phương pháp điều trị hiện có. Bất kỳ phương pháp điều trị mới nào được phát triển đều có thể tiếp cận được với tất cả những ai cần đến nó, đồng thời đảm bảo nó được sử dụng hợp lý, để làm chậm lại tình trạng kháng thuốc”.

Mỗi năm có tới 200 triệu người mắc phải các bệnh lây qua đường tình dục này và bệnh thường được điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh đơn giản trong liệu trình ngắn. Tuy nhiên, ngày nay, với tốc độ phát triển chóng mặt của bệnh, phương pháp điều trị này đã không còn hiệu quả.

Cơ quan của Liên Hợp Quốc cho biết, kháng kháng sinh trong cácbệnh lây nhiễm qua đường tình dục– STIs đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây. Kháng kháng sinh cũng tồn tại ở bệnh lậu và các bệnh chlamydia, giang mai mặc dù ít phổ biến hơn.

Một khi không được chẩn đoán và điều trị chính xác, thích hợp, 3 bệnh này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, bao gồm cả nhiễm trùng vùng chậu; mang thai ngoài tử cung; tăng nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu và tử vong sơ sinh… Theo số liệu của WHO thì trong năm 2012, số ca lây truyền bệnh giang mai từ mẹ sang con khiến cho thai nhi tử vong sớm, thai chết lưu hay tử vong sơ sinh là hơn 200.000.

Dấu hiệu nhận biết bệnh lậu:

– Đau rát khi tiểu tiện hoặc có mủ vàng sẫm đặc chảy ra theo khi tiểu tiện

– Ngứa rát quanh vùng âm hộ, đau âm ỉ ở bụng dưới

– Đau vùng xương mu khi giao hợp

– Viêm tấy đỏ, có mủ vùng âm hộ, âm đạo…

– Có khí hư, lỗ cổ tử cung có thể đỏ, trợt phù, lộ tuyến là biểu hiện đã viêm cổ tử cung

– Có thể đau vùng hố chậu hoặc hạ vị, đau ở giữa, một bên hoặc hai bên

– Sốt, buồn nôn, nôn, điều này cho thấy có thể đã lây lan nhiễm trùng lên các phần phụ…

– Ngứa nhiều ở quy đầu và xung quanh dương vật bị tấy đỏ (ở nam giới)

(Theo: Dailymail)