Làm thế nào phân biệt được thịt lợn mán thật giả?
Lợn mán hay còn gọi là lợn Mường, thường được nuôi thả tự nhiên trong môi trường hoang dã nên thịt ngon ngọt và chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, không cho ăn tạp chất như lợn nhà. Do đó, những người sành ăn khó có thể bỏ qua loại protein tuyệt vời này. Thế nhưng đồng bào dân tộc nuôi lợn mán số lượng không nhiều mà cầu thì quá nhiều nên nhiều thương lái đã dù chiêu “treo đầu dê bán thịt chó” mà chà trộn các con lợn bẩn, lợn bệnh làm giả lợn mán để bán với giá cao, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng.
Gần đây, vụ biến lợn mắc bệnh truyền nhiễm thành thịt lợn mán được tiêu thụ ở khu chợ Thành Công suốt 2 năm nay lại gióng lên tiếng chuông báo động về tình trạng an toàn thực phẩm. Trước chiêu trò phù phép hô biến thịt lợn thường hoặc lợn bệnh của người kinh doanh ngày càng tinh vi, làm thế nào để người tiêu dùng phân biệt được thịt lợn mán thật-giả?
Đặc điểm nhận dạng được thịt lợn mán xịn
Theo kinh nghiệm làm đầu bếp tại nhà hàng đặc sản lợn mán gần chục năm ở Hà Nội, anh Tiến cho biết, đặc điểm nhận dạng thịt lợn mán là ở lớp da khá dày và cứng.
Da lợn mán sần sùi, không bóng như da lợn nhà, thường có ba sợi lông mọc chụm ở một chỗ. Thịt lợn mán có màu đỏ nhạt chứ không đỏ đậm như nhiều người lầm tưởng. Ngoài ra, miếng thịt có mùi hôi đặc trưng và lớp mỡ rất ít mới là lợn mán xịn.
Anh nhấn mạnh, khi chế biến, thịt lợn mán ngọt và thơm, lớp da ăn rất giòn, thịt không bị hao nhiều. Ngược lại, lợn mán giả khi nấu ra rất nhiều nước, miếng thịt mềm nhũn, bì lợn không giòn và dai. Nuôi được một con lợn mán phải ngót 1 năm nên giá thịt lợn mán khá đắt đỏ, dao động trong khoảng từ 300.000 – 400.000 đồng/kg. Một số loại thịt được gắn mác lợn mán nhưng chỉ có giá trên 100.000 đồng/kg. Tâm lí của nhiều chị em khi đi chợ là chuộng đồ rẻ nên dễ mua phải thịt lợn giả vừa mất tiền oan, vừa gây hại cho sức khỏe.
Thịt lợn mán bị làm giả khó nhận ra vì sao?
Vì lợi nhuận cao nên một số cơ sở giết mổ, kinh doanh thịt lợn thường trà trộn thịt lợn thường với lợn mán dựa trên một số đặc điểm nhận dạng như: bì dày màu hanh vàng, nhiều nạc ít mỡ, miếng thịt nhỏ. Người ta có thể làm giả thịt lợn mán bàng cách đốt vàng da, chọn mổ những con lợn nhỏ và cắt thịt ra thành những miếng nhỏ để đánh lừa khách hàng. Trao đổi với báo Vietnamnet, PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, Hiệp hội chăn nuôi VN cho biết: “Đặc trưng của lợn mán là da dày, đen, nhiều nạc, lớp mỡ mỏng cũng gần giống với đặc trưng của lợn siêu nạc hiện nay. Điểm khác dễ phân biệt là trọng lượng lợn mán nhỏ, chỉ từ 10 – 15 kg/con, lợn càng nhỏ, thịt càng chắc càng thơm ngon”.
Lợn mán được ưa chuộng bởi vị ngon ngọt, dai giòn và dễ chế biến thành nhiều món hấp dẫn như: lợn mán hấp, lợn mán quay, lợn mán xào lá móc mật, lòng dồi hấp… Thế nhưng, trên thị trường thịt lợn mán được làm giả và bày bán rất ngang nhiên, chị em cần lưu ý những đặc điểm trên để là người tiêu dùng thông minh.