Lời khuyên từ các chuyên gia y khoa để có một chuyến du lịch khỏe mạnh và trọn vẹn
Mùa hè là thời điểm thích hợp cho những chuyến đi chơi trốn chạy cái nóng. Và hẳn nhiên không ai muốn những trục trặc xen vào khoảnh khắc ngày hè tuyệt vời này. Theo các chuyên gia y khoa, bạn hoàn toàn có thể đề phòng và hạn chế những trục trặc cho mỗi cuộc du lịch trong thời tiết nóng bức này. Một vài mẹo nhỏ sau sẽ giúp bạn:
- Tránh say tàu xe
Trước ngày đi cần thư giãn, tránh mệt mỏi, bởi thần kinh căng thẳng thường dễ gây say tàu xe. Trước khi đi nên ăn nhẹ, không để cơ thể quá đói hoặc quá no vì dễ kích thích niêm mạc dạ dày. Không dùng đồ uống có gas, không uống rượu trước và trong khi đi. Có thể dùng thuốc chống say xe: 30 phút trước khi khởi hành nên uống 1 viên (50mg/viên) thuốc Dimenhydrinat (các biệt dược: Dramamin, Antivomid, Marevít…); nếu cần 4 giờ sau có thể uống lại. Hoặc có thể dùng cao Scopoderm TTS dán sau tai 1 miếng dán có thể đề phòng cho một chuyến đi trong 72 giờ.
2. Đảm bảo giấc ngủ
Một trong những thú vui khi đi xa là bạn thường không giữ nếp ngủ bình thường. tuy nhiên điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, trong chỉ cơ thể bạn gặp phải stress về tinh thần và thể chất, mà hệ miễn dịch của cơ thể cũng bị tác động mạnh. Do đó, hãy đảm bảo ngủ đủ ít nhất 6 giờ mỗi đêm khi đi xa.
3. Vấn đề vệ sinh nơi công cộng
Rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch khử trùng sau khi tới những địa điểm đông người là cách hữu hiệu giúp đảm bảo vệ sinh cho bạn. Tất cả những vật dụng công cộng như tay nắm cửa, máy ATM, tay cầm thang máy đều tiềm tàng vi khuẩn. Dược sĩ Elson cũng đề xuất chuẩn bị một vài đồ cứu thương, sát trùng theo chuyến đi đề phòng những tai nạn xảy ra. Bạn khó có thể tìm được thuốc sát trùng hoặc bông băng cho những trường hợp khẩn cấp khi đang ở một nơi hoàn toàn xa lạ.
4. Chuẩn bị đủ nước
Cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể chìa khóa giúp chuyến đi của bạn thuận lợi và suôn sẻ. Tuy nghe có vẻ đơn giản nhưng không ít người lại quên đi việc làm thiết yếu này. Những chuyến bay dài, khoảng thời gian chết trên tàu hay xe khách đều khiến cơ thể bạn mệt mỏi và mất nước. Lúc này, những chai nước nhỏ “phòng thân” sẽ giúp bạn đối phó hiệu quả với tình hình này.
Theo các nhà khoa học Anh trên Tạp chí Y học và Sức khỏe số ra mới nhất, những loại nước chứa điện phân hòa tan có mặt tại các cửa hang dược phẩm là lựa chọn số một cho những chuyến đi dài ngày. Chúng cung cấp nước và đồng thời bổ sung các dưỡng chất cho cơ thể, bù đắp vào chế độ ăn thất thường của mỗi chuyến đi. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng khuyến cáo đồ uống có đường không thực sự tốt cho những chuyến đi vào thời tiết này.
5. Giảm thiểu tác động của ánh nắng mặt trời
Khi di chuyển, tiếp xúc với ánh mặt trời là điều không tránh khỏi. Bảo vệ cơ thể bạn với những phụ kiện phù hợp cũng như hạn chế sự tiếp xúc với vi khuẩn và bụi bẩn là điều hết sức quan trọng. Các chuyên gia y khoa đề xuất mang theo các dung dịch vệ sinh da hay dưỡng ẩm để giảm thiểu tác động của ánh nắng. Thoa kem chống nắng và chọn những bộ đồ đảm bảo ánh nắng không có khả năng tấn công bạn là cách thông minh và hiệu quả giúp bạn thoát khỏi hiểm họa của tia tử ngoại. Theo Henry Oarth, chuyên viên nghiên cứu tác động của ánh nắng lên sức khỏe con người tại Nigeria, ánh sáng mặt trời mang vitamin D, có tác dụng thúc đẩy cơ thể phát triển. Tuy vậy tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng đặc biệt ở những nước nhiệt đới sẽ để lại những hệ quả nghiêm trọng như cháy nắng, bỏng rát da hay thậm chí cả ung thư da.
6. Phòng bệnh đường tiêu hóa
Theo các thống kê của ngành du lịch thế giới thì có 20-30% du khách bị tiêu chảy ở mức độ khác nhau, thường bị vào ngày thứ ba của chuyến đi và kéo dài khoảng 3 ngày. Trên đường đi, ăn uống cần đặc biệt chú ý khâu vệ sinh: không ăn các hàng quán phơi bày dọc đường, không cỏ đủ nước sạch rửa bát đĩa. Không ăn rau sống, không ăn thịt gia súc, gia cầm hoặc thủy sản chưa nấu chín (món gỏi, món tái…).
Nếu không may bị tiêu chảy không nên vội vã dùng ngay thuốc cầm tiểu chảy vì có thể ruột không loại bỏ được các độc tố bị nhiễm trong quá trình ăn uống. Điều rất quan trọng chữa tiêu chảy là phải chống mất nước. Cách tốt nhất là dùng Oresol (1 gói pha với 1 lít nước sôi để nguội) để bù nước, bù chất điện giải và giúp cơ thể thải độc. Uống Oresol theo nhu cấu không hạn chế số lượng, hoặc đi tiêu bao nhiêu thì bù đắp bấy nhiêu.
7. Các loại thuốc khác
Một vài viên thuốc chống say nắng sẽ là chỗ dựa vững chắc, đảm bảo thời tiết không thể bắt nạt bạn. Bên cạnh đó, những loại thuốc tiêu hóa và chống dị ứng sẽ giúp bạn thoải mái hơn khi thử những món ăn mới mà không phải e dè lo ngại. Nếu tàu, xe có thể khiến bạn say, đừng quên một vài viên thuốc chống say, chúng sẽ giúp bạn di chuyển trên các phương tiện này dễ chịu hơn. Các loại kem chống nắng và muỗi đốt cũng nên nằm trong danh mục chuẩn bị của bạn. Bạn nên sắp xếp các loại thuốc theo từng ngăn hợp lý và dễ nhớ, tránh trường hợp để lẫn lộn các loại với nhau.