Não bộ của bạn có nút Delete, đây là cách để sử dụng nó hiệu quả
Não của bạn có một cơ chế rất thú vị chuyên “dọn dẹp” những thứ cũ kỹ không được dùng tới để nhường chỗ cho những luồng thông tin, kiến thức mới. Cơ chế đó hoạt động ra sao và làm thế nào thế để tận dụng được nó?
Giới khoa học thần kinh trước giờ vẫn thường kháo nhau: “Các mạch neuron (tế bào thần kinh) càng làm việc nhiều càng liên kết với nhau chặt chẽ hơn”.
Điều này có nghĩa là bạn càng bắt các neuron trong não hoạt động nhiều thì chúng càng liên kết chặt và hoạt động hiệu quả hơn. Đây cũng chính là lý do tại sao người ta vẫn thường nói muốn làm gì giỏi cũng cần luyện tập nhiều. Bạn càng luyện nhiều piano, càng nói nhiều một ngôn ngữ hay càng vật lộn để làm gì đó nhiều thì những liên kết thần kinh trong não bạn về những mảng đó càng chặt chẽ và khiến bạn làm những việc đó dễ dàng, hiệu quả hơn.
Trong nhiều năm người ta vẫn luôn tôn thờ nguyên tắc này khi học bất cứ thứ gì mới. Tuy nhiên, thực tế việc học không chỉ bao gồm xây dựng và củng cố các liên kết mới trong não bộ mà quan trọng hơn lại là khả năng phá bỏ đi những liên kết cũ qua một cơ chế gọi là “synaptic pruning” (cắt bỏ liên kết). Hãy cùng tìm hiểu xem cơ chế này hoạt động ra sao nhé.
Não của bạn cũng giống như một khu vườn
Hãy tưởng tượng não của bạn là một khu vườn. Thay vì mọc hoa cỏ, cây trái, khu vườn đó lại là nơi sinh sôi của một loạt các liên kết neuron nhập nhằng. Đây chính là những “đường ống” mà các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine, seratonin,…đi qua.
Tiếp đến hãy hình dung các tế bào thần kinh đệm (glial cell) là những người thợ làm vườn với hoạt động chính là tăng tốc độ các tín hiệu được truyền đi giữa một số neuron thần kinh nhất định trong não. Cũng có một số tế bào thần kinh đệm chuyên làm các nhiệm vụ “quét dọn” như nhổ cỏ dại, diệt sâu bọ hay cào bớt lá rụng để khu vườn luôn được thông thoáng. Những người thợ “cắt tỉa dọn dẹp” này được gọi là vi tế bào thần kinh đệm (microglial cell). Chúng chuyên đi cắt bỏ những sợi dây liên kết thừa giữa các neuron thần kinh. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào các vi tế bào này biết rõ liên kết nào nên được cắt bỏ, liên kết nào không?
Các nhà nghiên cứu mới chỉ đang bắt đầu tìm cách vén bức màn bí ẩn này, nhưng họ đã tương đối chắc chắn rằng các liên kết không mấy khi được chúng ta sử dụng tới sẽ tự động được “đánh dấu” bằng 1 loại protein là C1q. Khi các vi tế bào thần kinh đệm phát hiện ra dấu vết này trên các liên kết neuron “già cỗi” ít được dùng đến, chúng sẽ lấy đi phần protein rồi cắt bỏ các liên kết đó.
Đây chính là cách não bộ của bạn dọn bớt những gì không được dùng đến để nhường chỗ cho những thứ mới bạn sẽ học.
Vì sao giấc ngủ lại đặc biệt quan trọng?
Có khi nào phải lĩnh hội quá nhiều thứ vào đầu bạn cảm thấy não mình bị “bội thực” chưa? Có thể là khi bước vào làm công việc mới hay đào sâu vào một dự án mới, phải tiếp nhận quá nhiều thông tin. Bạn cũng không ngủ nhiều do căng thẳng và áp lực công việc. Trong những trường hợp như vậy, chính xác là bộ não của bạn đang bị bội thực thật sự.
Khi bạn bắt đầu học thứ gì đó mới, não bộ sẽ tự động xây dựng những liên kết neuron mới. Tuy nhiên, những liên kết này thường chỉ là tạm thời nên không bền chặt và hiệu quả. Não của bạn cần dọn bớt những liên kết thiếu hiệu quả như vậy để dành chỗ cho những liên kết mới hiệu quả hơn. Quy trình này diễn ra chính vào lúc chúng ta ngủ.
Đúng vậy, não chúng ta tự “làm sạch” chính nó trong giấc ngủ. Vào khoảng thời gian này, các tế bào não có thể co lại tới 60% để mở rộng đường những người “thợ làm vườn” kể trên vào dọn dẹp rác rến trong hệ thần kinh.
Bạn có bao giờ tỉnh dậy sau một giấc ngủ sâu bỗng thấy mình tư duy sáng rõ và nhanh nhạy hơn không? Đó là bởi vì những liên kết rác đã bị loại bỏ, trong não chỉ còn lại những liên kết neuron hiệu quả và không gian thoáng rộng sẵn sàng đón tiếp những luồng thông tin, kiến thức mới.
Đây cũng chính là lý do những giấc ngủ ngắn cũng rất tốt cho khả năng suy nghĩ, nhận thức của bạn. Một giấc ngủ chỉ tầm 10-20 phút cũng đủ để các vi tế bào thần kinh đệm vào cắt sạch những liên kết thừa, làm tăng đáng kể hiệu quả học tập, làm việc cho bạn.
Bây giờ hãy nghĩ xem việc để cơ thể thiếu ngủ sẽ có khác gì việc cố nhồi nhét mọi thứ vào một khu rừng hỗn loạn không? Khu rừng đó đã mọc toàn cỏ dại và hoàn toàn cạn kiệt nhựa sống. Càng nhiều bụi rậm, cỏ dại, ánh sáng càng khó lọt qua phải không?
Tiếp đến, hãy nghĩ tới việc để não bộ nghỉ ngơi đầy đủ thì suy nghĩ hay học hỏi gì mới cũng giống như thảnh thơi đi bộ qua một công viên được chăm sóc cẩn thận vậy – các con đường đều sạch sẽ và được kết nối hoàn chỉnh với nhau, cây cối cũng xanh tươi và đều ở đúng chỗ của mình. Khi đó, bạn chắc chắn có thể thả tầm nhìn đi rất xa và được tiếp thêm sinh lực tràn đầy.
Hãy chỉ dành tâm trí cho những việc quan trọng
Trên thực tế, cho dù các “thợ làm vườn” cắt tỉa cây dại trong lúc bạn ngủ thì bạn vẫn có thể quyết định thứ gì những người thợ này được cắt bỏ, thứ gì không. Những liên kết neuron ít được bạn dùng đến sẽ được đánh dấu protein để loại bỏ, còn những liên kết bạn thường xuyên dùng sẽ được các thợ chăm chút, “tiếp” nước và oxy đầy đủ. Chính vì vậy mà hãy chỉ tập trung đào luyện những thứ bạn thấy cần.
Ví dụ nếu bạn dành quá nhiều thời gian đọc Game of Thrones và cực ít thời gian cho luyện tập các kỹ năng trong công việc, hãy đoán xem những người “thợ làm vườn” sẽ cắt bỏ liên kết nào?
Nếu bạn liên tục tranh cãi với ai đó ở chỗ làm và suốt ngày chỉ nghĩ cách vượt được họ mà chẳng để tâm đến các dự án lớn thì khả năng cao là các liên kết về “bày mưu tính kế” sẽ được chăm bẵm cẩn thận đến mức thành thần còn những liên kết sáng tạo, phân tích cho công việc lại dần bị nhổ bớt.
Như vậy, để tận dụng tối đa cơ chế thú vị này của não bộ, tốt hơn hết bạn hãy dành thời gian tâm trí cho những việc quan trọng và bỏ bớt những thứ lãng xẹt không đáng nghĩ. Đây cũng chính là cách hiệu quả biến não của bạn thành một khu vườn ươm tươi tốt.
Tham khảo Fast Company