Sau một đêm mất ngủ thì làm cách nào để tỉnh táo hơn vào ngày hôm sau?
Cuộc sống lúc nào cũng bận rộn với bài tập về nhà, công việc tồn đọng hay deadline dày đặc khiến cho chúng ta thường xuyên phải dành trọn cả đêm để “chạy” cùng chúng. Nhưng không phải ai cũng có thể dành cả ngày hôm sau để ngủ bù, trái lại phải dậy sớm để bắt đầu một ngày mới bận rộn.
Đương nhiên, hậu quả của một đêm thức trắng là cơ thể uể oải, mệt mỏi, đau đầu và như cạn năng lượng. Dường như sẽ vô cùng khó khăn để hoạt động hiệu quả trong ngày hôm sau. Tuy nhiên, hãy yên tâm vì đã có những giải pháp kịp thời dưới đây để tăng cường năng lượng cho bạn tỉnh táo hơn.
Thức dậy khi báo thức vừa reo
Tiến sĩ Chris Winter, một nhà thần kinh học tại Charlottesville Neurology and Sleep Medicine, cho biết “Cố gắng giữ thời gian thức giấc nhất quán trong mỗi ngày còn quan trọng hơn là ngủ nướng hay dành hẳn một ngày để ngủ bù. Điều đó còn gây ra nhiều hậu quả hơn là giải quyết cơn buồn ngủ”.
Mặc dù ngủ thêm có thể khiến bạn thoải mái ngay lập tức nhưng về lâu dài, chúng lại dẫn đến việc rối loạn hệ thống giấc ngủ của cơ thể. Vì thế, dù đôi mắt “mở không lên” nhưng hãy cố gắng sinh hoạt đúng đồng hồ sinh học để tránh những tác hại về sau.
Đón lấy ánh sáng tự nhiên
Đón lấy ánh sáng rực rỡ là một trong những điều hiệu quả nhất để “đánh thức” cơ thể sau một đêm thiếu ngủ vì không những cung cấp nhiều vitamin D mà nó còn giúp bạn cảm nhận được nguồn năng lượng từ tự nhiên.
Tiến sĩ Michael Grandner, giám đốc chương trình nghiên cứu giấc ngủ và sức khỏe tại Đại học Y khoa – Arizona, nói rằng “Ánh sáng mặt trời giúp bạn thoát khỏi những cơn buồn ngủ quán tính và bạn sẽ cảm thấy năng động, tỉnh táo hơn”.
Hãy mở cửa số hoặc ra ngoài đón lấy ánh nắng để chào đón ngày mới bạn nhé!
Tập thể dục
“Dù mệt mỏi nhưng vận động thể chất sẽ giúp tâm trạng bạn được cải thiện và nạp lại năng lượng cho cơ thể. Thậm chí, những bài vận động có thể giúp bạn ngủ ngon hơn trong tối hôm sau”, Molly Morgan – một chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ.
Mặc dù không có nhiều thời gian đến phòng tập nhưng bạn vẫn có thể tranh thủ một vài động tác tại nhà hoặc dành 30 phút đi bộ cũng có thể “đánh thức” năng lượng trong bạn.
Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ
Lauren Manganiello – một chuyên gia dinh dưỡng đã nói: “Ăn các bữa ăn nhỏ sẽ giúp lượng đường trong máu bạn ổn định suốt cả ngày. Khi khoảng cách giữa những bữa ăn quá lâu sẽ làm lượng đường giảm xuống khiến cơ thế cảm thấy mệt mỏi hơn và dẫn đến việc ăn quá nhiều sau đó”.
Chuyên gia dinh dưỡng dinh dưỡng Jessica Cording hoàn toàn đồng ý với ý kiến trên và đề xuất nên chia nhỏ thành 5 – 6 bữa mỗi ngày thay vì ba bữa ăn chính.
Tránh thực phẩm có nhiều carbs
Những bữa ăn chứa nhiều tinh bột sẽ làm bạn cảm thấy nặng nề hơn và lượng đường trong chúng khiến cơ thể mất nhiều thời gian để tiêu hóa.
Thay vì nhâm nhi những ổ bánh mì hay lát pizza thì bạn nên chú trọng hơn thành phần protein và chất béo tốt trong mỗi bữa ăn. Những món ăn này giúp bạn cảm thấy no lâu hơn nhưng không hề gây khó tiêu.
Chợp mắt vào buổi trưa
“Một giấc ngủ ngắn từ 20 – 30 phút vào buổi trưa có thể cải thiện hiệu suất não trong suốt thời gian còn lại trong ngày”, Grandner chia sẻ. Và điều này đặc biệt hiệu quả nếu bạn ngủ vào buổi trưa.
Uống nhiều nước
Để các tế bào hoạt động tốt thì bạn phải bổ sung nước cho chúng liên tục trong ngày. Đặc biệt là sau một đêm thiếu ngủ thì chúng sẽ “khát” hơn và cần nhiều nước vào ngày hôm sau.
Thư giãn tâm hồn
Một đêm không ngủ có thể khiến bạn cảm thấy cáu kỉnh, nóng tính và trở nên căng thẳng đầu óc. Để chống lại những vấn đề tâm lý này, bạn cần giữa cho tâm trí thư giãn. Tiến sĩ Grandner đề nghị bạn nên thực hiện các bài tập hít thở hoặc ngồi thiền.
Ngồi thiền khoảng 5 phút mỗi ngày giúp thúc đẩy tuần hoàn máu lên não và các cơ quan khác trong cơ thể. Khi ấy, bạn có thể tĩnh tâm, tái tạo năng lượng và cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng tâm trí hơn.
Nguồn: Insider