Sự thật về những tin đồn thực phẩm khiến người mua hoang mang, người bán điêu đứng
Thị trường hiện nay thật giả lẫn lộn khiến người tiêu dùng chẳng biết đâu mà lần. Nào là tôm bơm hóa chất, thịt lợn chứa chất tạo nạc, thịt bò giả, rau ngậm thuốc trừ sâu,… khiến người tiêu dùng chẳng biết nên tin vào đâu, nên ăn cái gì. Nhưng bên cạnh những thực phẩm độc hại, chứa nhiều hóa chất không rõ nguồn gốc lại có một số thực phẩm bị “vạ lây”, bị đưa nhiều thông tin không chính xác nhằm mục đích cá nhân. Những “tin vịt” đó rộ lên khiến người mua hoang mang, người bán điêu đứng.
Bóc mẽ những tin đồn vô căn cứ về thực phẩm
Gạo giả
Tháng 10/2015, một Facebooker ở TP HCM đăng tải clip về chuyện gia đình anh mua gạo 20.000 đồng/kg có nhiều điểm bất thường. Bữa nào nấu cơm cũng một nửa sống, một nửa chín, khi kiểm tra có nhiều hạt trắng phau như nhựa. Người này cho hay khi đem đốt, gạo bị cháy, có mùi nhựa, nghi là gạo giả.
Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn chất lượng đo lường 3 (thuộc Tổng cục đo lường chất lượng) đã tiến hành kiểm nghiệm mẫu gạo nói trên và đưa ra kết luận, mẫu gạo trên không phải làm từ nhựa hay cao su. Thành phần chính của loại gạo này vẫn là gluxit và protein.
Mực cao su
Năm 2013, thông tin về loại mực khô xé sợi nghi là mực giả, mực nhựa, mực cao su từng khiến nhiều người lo sợ.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM đã lấy ngẫu nhiên 6 mẫu (1 mẫu mực nguyên con, 5 mẫu mực xé sợi) đi kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy, các mẫu có hàm lượng protein trung bình 30,43%.
Trước đó, năm 2010, Sở Y tế Hà Nội cũng từng lấy 3 mẫu mực gồm: một mẫu mực nguyên con và 2 mẫu mực khô xé ăn liền gửi đến Viện Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia xét nghiệm. Kết quả cho thấy hàm lượng đạm bằng 88,4% hàm lượng protein của cá mực, và chưa có cơ sở kết luận đây là mực giả, mực cao su hay mực được chế biến từ xenlulo.
Xoài nhân tạo
Cuối tháng 7 vừa qua, một Facebooker có tên Dương Thành Nam đăng tải một đoạn clip dài hơn 2 phút về một loại xoài đang được bán nhiều trên thị trường, khẳng định đây là giống xoài Trung Quốc, không phải xoài Thái. Người này sau đó bổ đôi quả xoài, để bộc lộ một lớp màng mỏng ở trong hột, và khẳng định đó là “lớp nilon”, tức là quả xoài này đã bị làm giả.
Tuy nhiên, chuyên gia của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Viện cây ăn quả Miền Nam cho biết tất cả các loại xoài đều có lớp màng tự nhiên ở trong hạt.
Theo VnExpress