Làm thế nào chọn mua được mít sạch, không bị tẩm hóa chất?
Cũng giống như sầu riêng, mít cũng là một loại trái cây nhiệt đới không thích ăn thì thôi, chứ đã thích thì ghiền. Hương vị thơm, vị ngọt ngon của mít khiến không ít người yêu thích. Cũng vì vậy mà nhiều thương lái đã tẩm hóa chất để thúc mít chín nhằm bán được nhiều hơn. Vô tình những hóa chất độc hại không rõ xuất xứ sẽ gây tác động cực hại tới sức khỏe con người.
Theo Gia đình & Xã hội, một quả mít sau khi được cắt xuống sẽ được để chờ chín tự nhiên bằng cách phơi nắng, hoặc kích thích chín bằng cách tiêm thuốc vào phần cuống của quả mít.
Các thương lái thường rất thích dùng hóa chất thúc chín mít là bởi, chỉ với một lượng thuốc nhỏ được tiêm vào sẽ giúp quả mít chín đều hơn, màu mít đẹp hơn và vị ngọt hơn. Dùng hóa chất làm chín mít sẽ gây hại cho người ăn nhưng lại lại đảm bảo không lỗ cho người bán. Thúc chín bằng hóa chất, quả mít sẽ chín đều mặc dù khi được cắt xuống vẫn còn chưa kịp già.
Loại hóa chất dùng để thúc mít chín là ethrel, có nguồn gốc từ Trung Quốc, thường dùng để kích thích mủ cây cao su, vô cùng độc hại với sức khỏe con người. Thông thường, để làm chín mít, các thương lái mang lọ hóa chất này ra pha loãng, rồi ngâm cuống hoặc phun vào vỏ quả mít, chỉ sau 2 – 3 ngày là mít chín. Tuy nhiên, nhiều thương lái vì muốn rút ngắn thời gian, họ đã tiêm thẳng thuốc cô đặc vào trong quả mít hoặc nhỏ trực tiếp lên cuống mít.
Bằng cách này, chỉ sau 1 đêm, tất cả các múi mít đều chín đều, kể cả những quả chưa già. Ăn những quả mít này không khác gì đưa chất độc vào cơ thể mỗi ngày, dần dần chúng sẽ phá hủy gan thận và nội tạng. Nếu lượng hóa chất được tiêm vào quá nhiều có thể gây ngộ độc tức thì đối với người ăn.
Cách nhận biết mít sạch, chín tự nhiên
Với mít chín tự nhiên thì chỉ có cách là sau khi cắt từ trên cây xuống, mít được bưng ra ngoài sân để… tắm nắng. Một cách dấm chín tự nhiên nữa đó là trước khi mang mít đi phơi nắng thì bôi vôi vào cuống quả mít hoặc đóng cọc. Sau khoảng 2,3 ngày mít sẽ chín thơm lừng. Tuy nhiên, cách dấm chín tự nhiên này chỉ thành công khi quả mít đã già. Nếu hái mít xuống khi chưa đủ độ già thì cách dấm tự nhiên này không thể làm mít chín được mà chúng sẽ tự thối dần.
Quan sát mủ của quả mít
Mít chín tự nhiên khi bổ ra ít mủ và không có mủ trắng. Mít tiêm thuốc có những dòng mủ trắng chảy ra từ trong ruột mít, do tác động của thuốc.
Gai và mắt mít
Tránh mua những quả mít chưa đủ tuổi già qua những dấu hiệu như: màu vỏ còn xanh, gai mít nhọn, khoảng cách giữa các gai mít gần nhau, vỗ vào nghe tiếng chắc nịch.
Mít chín tự nhiên thì thân quả thường rất mềm. Mắt mít nở to, gai không nhọn và thưa hơn so với lúc mít còn xanh. Còn mít chín ép có gai nhọn, mắt không nở to, gai cứng và dày do bị chín ép bên trong, còn bên ngoài vẫn còn độ xanh của quả.
Vỗ vào quả mít
Khi nhấc những quả mít lên và thấy mít nặng trái. Dùng tay vỗ nhẹ hoặc búng vào vỏ quả thấy phát ra những tiếng kêu bình bịch thì đó là mít chín và ngon.
Mùi thơm
Mít chín thường có mùi thơm đặc trưng, đi từ xa đã có thể cảm nhận được mùi thơm của mít. Mít tiêm thuốc thì không có mùi thơm lừng như mít chín cây thậm chí là không có mùi gì.
Múi mít
Đối với mít chín cây, múi mít có màu vàng óng, cùi dày, vị ngọt bùi. Xơ mít màu vàng nhạt hoặc màu trắng, ăn rất ngọt và thơm. Trong khi đó, mít chín ép vẫn có múi màu vàng nhưng ăn cảm giác bị sượng, xơ mít màu vàng đậm như múi mít.
Ngoài ra bạn cũng có thể chọn mua mít bằng cách tính ý quan sát. Ở một số chợ, có những người bán hàng toàn bán đồ quê. Họ thường gom những thứ nông sản có sẵn trong vùng họ ở mang đi bán. Mặc dù không phải tất cả hàng hóa của họ đều sạch nhưng bạn có thể tìm được thực phẩm sạch nếu tinh ý.
Những người bán hàng này không bán một mặt hàng ổn định, ở quê đang có gì thì họ mang ra thành phố bán cái đó. Nếu những người này bán những quả mít nhìn đã già (như những dấu hiệu ở trên) thì bạn hoàn toàn có thể tin tưởng mua về thưởng thức.
Mua mít tại những địa chỉ thực phẩm sạch có uy tín mà bạn thường xuyên mua hàng.