Mách bạn các mối bán buôn hoa và kinh nghiệm bán hoa tết có lãi
Mỗi năm tết đến mọi người lại tấp nập rộn ràng mua bán để chuẩn bị những thứ cần thiết để gia đình đón tết. Cuối năm cũng là dịp tốt để các chị em, các bạn sinh viên kiếm thêm thu nhập cho mình bằng cách kinh doanh, và không ít người thu được món hời lớn nhờ việc kinh doanh thuận buồm xuôi gió, và có tính toán kỹ càng trước khi bắt đầu. Trong bài viết này, Bizweb xin chia sẻ với các bạn một vài đầu mối mua buôn hoa tươi dịp tết, cũng như các kinh nghiệm thực tế để chúng ta kiếm được lời nhiều trong dịp cuối năm này.
Các đầu mối lấy hoa buôn dịp tết
Nếu ở Hà Nội, bạn có thể tìm đến các chợ đầu mối hoặc về tận các làng hoa, như Chợ Quảng Bá, làng hoa Tây Tựu, hoặc Mê Linh. Nếu trong Sài Gòn có thể đến các địa chỉ như chợ như Kim Biên, chợ Lớn, Hồ Thị Kỷ…
Với những bạn có ý tưởng lấy hoa mang về các tỉnh lẻ bán thì nên đến chợ hoa Mê Linh (gần đền Hai Bà Trưng) là phù hợp nhất. Thông thường các chủ vườn ở đây sẽ cắt hoa trực tiếp từ ruộng và mang lên đường bán luôn. Trong mỗi độ xuân về khu vực này luôn tấp nập kẻ mua người bán chẳng khác nào một khu chợ huyên náo. Việc cần thiết là bạn cần xác định những loại hoa mình muốn bán, biết cách chọn hoa và thương lượng giá với chủ vườn. Chú ý cần đi sớm, hoặc liên hệ đặt trước, nếu bạn đến vào những ngày giáp tết thường thì các loại hoa đẹp đều được chủ buôn đặt trước, chỉ còn lại các loại hoa chất lượng kém hơn và giá cũng bị “chặt chém” hơn.
Nếu không, bạn có thể chọn đến các địa chỉ như chợ Hoa Tây Hồ, đây cũng là nơi tụ hội của rất nhiều con buôn ngày giáp tết. Ngoài ra, bạn có thể lấy hoa ở chợ đầu mối gần khu Đền Lừ – Hoàng Mai, hoa ở đây cũng có khá nhiều, chất lượng và giá cả cũng mềm.
Nếu đi chợ Hoa Quảng Bá, bạn nên đến sớm để mua được hoa đẹp, không bị dập, với mức giá tốt nhất. Các con buôn chợ này thường đi chợ vào khoảng từ 1-2 h sàng, thường thì đó là những người lấy với số lượng lớn, và có kinh nghiệm lâu năm trong nghề. Quan trọng nhất khi đi chợ đêm là cách mặc cả giá và cách xem hoa. Đi chợ hoa ban đêm rất dễ mua phải hoa đông lạnh, hoặc hoa bị dập, úa. Vì vậy, bạn hãy nhớ mang theo đèn pin thật sáng để kiểm tra hàng trước khi mua. Cách mặc cả và soi đèn pin cũng là cả một nghệ thuật, bạn có thể để ý những người mua hàng bên cạnh để học hỏi theo. Hơn nữa, hãy đi tham khảo giá một vòng trước khi lựa chọn, vì giá bán ở đây là không đồng nhất. Theo kinh nghiệm của nhiều người, giá bán ở cuối chợ thường rẻ hơn cổng chợ vào.
Một số bạn cũng chia sẻ, khi đi Hoa Quảng Bá họ chỉ chọn những người trông mặt hiền lành thật thà để mua, và thông thường những người này họ đều có vườn riêng và có hỗ trợ vận chuyển hoa, nên nếu mặc cả tốt sẽ tiết kiệm được khá nhiều chi phí vận chuyển. Bạn Nhung, một sinh viên chuyên bán hoa mỗi dịp tốt lại chia sẻ rằng: “Chợ hoa Quảng Bá dịp Tết, dù có mua sáng hay chiều mình vẫn nhập được hoa rẻ và đẹp, nếu có kinh nghiệm. Năm ngoái em đi lúc 4 – 5 giờ chiều mà vẫn nhập được hoa Lay Ơn giá 2500đ và về bán giá khoảng 7 – 9 nghàn đồng, lời vẫn cao và người mua vẫn khen đẹp và rẻ. Ngoài ra, tiền nong hãy nhớ cất cẩn thận, vì những kẻ móc túi, gật đồ vẫn hay lảng vảng nơi đây nhằm lợi dụng sơ hở của những người lạ mặt đến đây”.
Một số chị có kinh nghiệm cũng mách nhỏ với nhau, bán hoa dịp tết cũng nên bán kèm cả trái cây và một số loại hoa giả đẹp đang được nhiều người sử dụng. Có thể quảng cáo từ trước tết trên các diễn đàn, hay các mạng xã hội để khách hàng đặt trước. Sau đó thì chỉ việc chuyển cho khách, hoặc mở một điểm bán nào đó để họ ra mua hàng.
Kinh nghiệm buôn hoa dịp tết
Với những người chỉ kinh doanh thời vụ thì không nên mua quá nhiều một lúc, tốt nhất chỉ nên lấy ít một, nếu bán hết lại lấy tiếp. Nếu giá buôn tăng bạn có thể tủy chỉnh giá bán ra, tránh tình trạng ôm quá nhiều đến khi bán không hết, doanh thu mang về không đủ bù vốn bỏ ra ban đầu, mặc dù khi bán ra vẫn kiếm được lời.
Không nên lấy tại các chợ hoa thường vì những nơi đây chỉ là do các con buôn đi mua về rồi bán lại. Giá bán đổ thường cao hơn giá gốc và hoa cũng không được tươi, đa số là hoa cũ, nên không để được lâu như khi mua tại vườn.
Nếu nhập hoa về để bán lẻ cho khách thì không nên hạn chế trong một hai loại, nên nhập nhiều loại hoa khác nhau để bán xen kẽ, vừa dễ bán mà hàng lại phong phú.
Cần khảo sát, giá bán tại thị trường và so sánh với giá nhập và chi phí vận chuyển, để tính toán xem có thể kiếm lời hay không? Hơn nữa, cần tham khảo 1 vòng thị trường chỗ bạn định bán xem các loại hoa đang bán và chất lượng, giá bán như thế nào. Nhiều người không có kinh nghiệm thường nhập hoa về quê để bán, nhưng thực chất hoa bán ở quê đẹp và tươi hơn, nên dẫn đến mất khách và không thu được vốn.
Hoa lay ơn thường để được lâu hơn các loại hoa khác. Nếu mua Lay ơn nên để nguyên cả gốc, khi bán cho khách thì tuốt bớt lá héo và bó chặt lại. Hoa hồng thì nhanh tàn và khó giữ hơn. Vì vậy, nên hạn chế lấy nhiều để tránh hoa bị héo không bán được. hoa khi mua về nên cắt chéo cắm vào nước. Một số người chia sẻ nên nghiền nát một viên aspirin bỏ vào nước và nên thay nước thường xuyên để giữ được hoa được tươi lâu hơn. Nên che chắn cho hoa và không nên để hoa ngoài nắng, tránh để ánh nắng chiếu vào. Lúc cất hoa nên cho vào chỗ tối, và khuất gió.
Nếu phải vận chuyển đường xa, nên chia hoa theo từng loại và để khoảng 5 – 10 cành thành một bó, và đóng thành thùng gửi về. Có thể thương lượng với chủ vườn để họ chuyển hoa ra bến xe với chi phí thấp nhất, có khi nhiều người còn vận chuyển miễn phí.
Chúc các bạn thành công!