Những điều cần biết khi xin trứng để làm thụ tinh trong ống nghiệm
Tôi năm nay 40 tuổi, đã có 1 con. Vợ chồng tôi mong muốn có thêm em bé nhưng chỉ số AMH (khả năng sinh sản của buồng trứng) của tôi chỉ đạt 0.59 ng/ml. Bác sỹ có chỉ định cho tôi xin trứng để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) nhưng tôi không biết phải xin ở đâu và làm như thế nào? Mong bác sĩ tư vấn giúp (Hà Thu).
Trả lời:
Chào chị!
Khoa học đã chứng minh, phụ nữ trên 35 tuổi, số lượng và chất lượng trứng giảm rất nhanh. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, phụ nữ trên 35 tuổi không nên sinh sản bằng trứng của mình bởi vì sẽ gặp rất nhiều nguy cơ như tỷ lệ sẩy thai, lưu thai và thai dị tật tăng cao… (do tỷ lệ trứng phân chia bất thường rất cao).
Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm.
AMH là từ viết tắt của Anti-Mullerian Hormone. AMH được tiết trực tiếp bởi các tế bào hạt của nang noãn buồng trứng và có liên quan trực tiếp với số lượng nang noãn nguyên thủy trong buồng trứng. Hiện tại, chị đã 40 tuổi chất lượng trứng kém cộng thêm chỉ số AMH: 0.59 ng/ml (chỉ số đánh giá số lượng nang trứng đã giảm nhiều). Chính vì vậy, bác sĩ đã tư vấn cho chị xin trứng để thực hiện phương pháp TTTON là hợp lý và tỷ lệ thành công cao nhất. Nếu dùng trứng của chị để thực hiện TTTON sẽ có rất nhiều nguy cơ như đã đề cập ở trên và tỷ lệ thành công sẽ là rất thấp.
TTTON bằng phương pháp xin trứng nghĩa là bác sỹ sẽ lấy trứng của một người thứ 3 thụ tinh với tinh trùng của chồng chị trong ống nghiệm, tạo thành phôi. Sau đó, phôi sẽ được chuyển vào buồng tử cung của chị để mang thai. Đứa con sinh ra mặc dù không mang gen của chị nhưng mang gen của chồng chị và do chính chị sinh ra.
Muốn xin trứng, chị có thể tham khảo các nguồn sau
– Ngân hàng trứng của các bệnh viện: Những bệnh nhân đã điều trị Hiếm muộn tại bệnh viện, do có nhiều trứng không sử dụng hết và đã đủ con nên có nguyện vọng hiến tặng vào ngân hàng trứng của bệnh viện với mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, số lượng trứng trong ngân hàng có hạn nên phải chờ đợi rất lâu.
– Xin trứng của người nhà hoặc người quen: Những người không có huyết thống cùng với chồng, xin trứng những người này có nhiều ưu điểm như biết rõ được nguồn gốc người cho trứng (đảm bảo người cho trứng chưa cho lần nào), tất cả số lượng trứng thu được sau kích trứng đều được dùng cho chị, người cho trứng nên dưới 30 tuổi, dự trữ buồng trứng tốt.
Nếu có chất lượng trứng kém thì thụ tinh trong ống nghiệm là hợp lý và tỷ lệ thành công cao nhất.
Lưu ý:
Hiện nay, có một số trường hợp xin trứng thông qua môi giới những người cho trứng. Nguồn trứng này sẽ không được đảm bảo vì chưa có quy định quản lý người hiến trứng (đã cho bao nhiêu lần và ở những bệnh viện nào …). Nếu người hiến trứng quá nhiều lần thì chất lượng trứng sẽ không tốt và đáp ứng với thuốc kém, ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công.
Nếu trường hợp chị không muốn xin trứng mà muốn dùng trứng của mình thì bệnh viện có thể có phương pháp kích thích buồng trứng nhẹ dồn trứng nhiều chu kỳ để làm TTTON nhưng trong trường hợp của chị, tỷ lệ thành công rất thấp và có thể có nhiều nguy cơ.
Chúc chị sức khỏe và sớm thực hiện được ước mơ làm mẹ lần hai!
Bác sĩ Phạm Thị Mỹ – Chuyên khoa Sản và Hiếm muộn, bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội