Thế nào là một bài luận văn hay?
I. Luận văn ở đại học và ở trung học
Nhận xét cho đại học là trường phổ thông cấp 4 nêu lên trong bài trước có thể đúng với tình hình giáo dục ở Việt Nam, tuy nhiên, ở các quốc gia tiên tiến, đại học là đại học, chứ không phải là một thứ trường cấp 3 nối dài. Trong phạm vi chúng ta đang bàn, viết luận văn ở đại học khác hẳn việc làm luận ở dưới trung học. Khác ở nhiều phương diện:
- Về yêu cầu, ở trung học, làm luận là một cách ‘trả bài’; ở đại học, viết luận văn là một cách kiểm tra năng lực nghiên cứu một cách độc lập, ở đó, sinh viên phải tự mình chọn lựa đề tài, tìm kiếm và sử dụng tài liệu ở ngoài bài giảng, với sự trợ giúp rất giới hạn của các thầy, cô giáo.
- Về quy mô, do tính chất đơn giản của nó, bài luận văn ở trung học thường ngắn, trong vòng trên dưới 500 từ, hoàn tất trong vòng một hay hai tuần; ở đại học, ngược lại, bài luận văn dài hơn, trung bình từ 1000 đến 3000 từ, được yêu cầu hoàn tất trong khoảng thời gian từ ba đến sáu, bảy tuần.
- Về phạm vi tư liệu, với yêu cầu và quy mô kể trên, ở trung học, học sinh chỉ cần tham khảo bài giảng, sách giáo khoa và một vài bài báo hay vài cuốn sách căn bản khác – thường là từ điển bách khoa; ở đại học, sinh viên cần phải đọc rộng hơn, từ bài giảng đến sách, báo và các tạp chí chuyên môn, có khi phải sử dụng cả đến những cuộc phỏng vấn trực tiếp do sinh viên tự thực hiện; hơn nữa, tất cả các tài liệu ấy phải được kén chọn cẩn thận: Chúng phải khả tín.
- Về cách thức thể hiện, ở trung học, học sinh thường chỉ được đòi hỏi miêu tả hoặc kể lại một sự kiện hay một hiện tượng nào đó; ở đại học, sinh viên cần phải lý luận, phân tích và chứng minh một vấn đề với yêu cầu là phải làm sao thuyết phục được người đọc.
- Về phương pháp luận, ở trung học, học sinh chỉ cần biết một số sự kiện chính liên hệ đến vấn đề mình phân tích; ở đại học, sinh viên thường được/bị đòi hỏi nhìn vấn đề ấy từ góc độ lý thuyết với một thứ ngôn ngữ mang nhiều tính khái niệm và từ góc độ lịch sử để thấy quá trình nhận thức về vấn đề ấy theo chiều lịch đại, tức theo thời gian.
Ví dụ, về đề tài gia đình:
- Ở trung học, người ta thường chỉ yêu cầu học sinh miêu tả một sinh hoạt, một cảnh tượng, hoặc một sự kiện nào đó liên quan đến đời sống gia đình mà học sinh ấy từng chứng kiến hoặc trực tiếp có kinh nghiệm. Có khi, tổng quát hơn, vẽ lại cây gia phả của một đại gia đình để thấy cấu trúc dòng họ và mối quan hệ mang tính đẳng cấp giữa các thế hệ.
- Ở đại học, sinh viên được đòi hỏi nhìn gia đình không phải như một thực thể trước mắt với hình ảnh một người cha, một người mẹ và mấy đứa con quây quần với nhau quanh một bữa cơm tối hay trong phòng khách như chúng ta thường thấy trong sách báo cho trẻ em. Ngược lại, sinh viên phải nhìn gia đình như những con số thống kê (về các vụ đám cưới, các vụ ly dị, số con cái, v.v.), hoặc như một khái niệm trừu tượng về hôn nhân: nó được hình thành như thế nào trong lịch sử; nó có những chức năng gì, có những đặc điểm gì; có những quan hệ tương tác gì với các sinh hoạt khác như kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá, v.v..
Nhưng nhìn vấn đề như thế, sinh viên sẽ phát hiện ra một điều là gia đình có quan hệ chặt chẽ với các cơ chế xã hội khác, từ phương thức sản xuất đến chế độ chính trị, từ một phát kiến khoa học đến một trào lưu tư tưởng, v.v.. Bởi vậy, để giải thích vấn đề gia đình, dù muốn hay không, người ta cũng phải dựa trên những lý thuyết chính trị, xã hội hay văn hoá rộng hơn bản thân vấn đề gia đình. Lúc ấy sinh viên sẽ thấy là cách nhìn về gia đình sẽ khác hẳn nhau nếu người ta sử dụng những phương pháp luận khác nhau, chẳng hạn, cách nhìn của các nhà chức năng luận (functionalism) sẽ không giống các nhà mác xít (Marxism), lại càng không giống các nhà phê bình nữ quyền (feminism).
Chúng ta có thể tóm tắt những sự khác biệt giữa các bài luận văn ở trung học và đại học như sau:
TRUNG HỌC | ÐẠI HỌC | |
Yêu cầu | Nhớ bài | Khả năng nghiên cứu độc lập |
Tư liệu | Bài giảng & sách giáo khoa | Bài giảng, sách giáo khoa & sách báo các loại |
Thời gian | 1, 2 tuần | Từ 3 đến 6,7 tuần |
Chiều dài | 300 – 500 từ | 1000 – 3000 từ |
Phương pháp thể hiện | Tự sự hay miêu tả | Lý luận, phân tích, chứng minh |
Tính chất | Chủ quan, cảm tính | Nặng về lý thuyết và phương pháp luận |
II. Một bài luận văn hay
Với những điểm khác biệt kể trên, tiêu chuẩn đánh giá luận văn ở trung học và đại học khác hẳn nhau.
Ở trung học, vì chỉ nhắm tới việc kiểm tra kiến thức nên một bài luận văn “hay” thường có thể chỉ là một bài tường thuật trôi chảy và mạch lạc những gì thầy đã giảng trong lớp hoặc đã được trình bày trong các sách giáo khoa (textbook). Nếu người viết liên hệ những kiến thức ấy với kinh nghiệm của bản thân mình để bài luận có cảm xúc hơn thì lại càng hay.
Ở đại học, ngược lại, vì nhắm đến việc kiểm tra khả năng nghiên cứu độc lập, cho nên ở đây khả năng tìm kiếm và sử dụng tài liệu, phương pháp làm việc, óc phê bình và óc lý luận của người viết được coi là những tiêu chuẩn quan trọng nhất.
Nói chung, ở đại học, một bài luận văn đặc sắc cần phải đạt được một số yêu cầu tối thiểu như sau:
- Tập trung vào vấn đề. Cả bài viết dù cho dài cả 2000 – 3000 từ cũng chỉ tập trung vào việc làm sáng tỏ một vấn đề duy nhất.
- Trong cái gọi là “tập trung vào một vấn đề” ấy, điều quan trọng nhất là phải có một ý tưởng trung tâm được thể hiện qua một lập luận chặt chẽ và được củng cố bởi các bằng chứng thích hợp.
- Phải bao quát được những kiến thức căn bản và cập nhật nhất liên quan đến đề tài.
- Phải biết cách tìm kiếm, chọn lọc, phân tích và đánh giá các tài liệu mình sử dụng.
- Phải biết nhìn vấn đề từ nhiều góc cạnh khác nhau, qua nhiều cách diễn dịch khác nhau, với những ý kiến từ nhiều học giả khác nhau.
- Phải biết cách vận dụng các lý thuyết vào việc lý giải những vấn đề cụ thể.
- Phải được diễn đạt một cách trôi chảy, đúng phong cách học thuật (academic). Nghĩa là, về phương diện ngôn ngữ, phải sử dụng các từ trung tính (neutral) và phi ngã (impersonal), các kiểu câu phức và dài; về giọng điệu, phải trang trọng hơn là thân mật; về phong cách, phải thiên về phân tích hơn là ấn tượng, khách quan hơn là chủ quan, trí thức hơn là cảm xúc, lý luận chặt chẽ hơn là sự hùng hồn.
III. Tiêu chuẩn chấm điểm
Ở Úc, hoặc ở Tây phương nói chung, khi ra đề luận, các giáo sư bao giờ cũng nêu rõ các yêu cầu và tiêu chí chấm điểm, ví dụ, về lập luận, cấu trúc, cách diễn đạt hoặc về cách trích dẫn. Có khi người ta còn yêu cầu rất cụ thể: Phải trích dẫn từ ít nhất năm hay bảy cuốn sách khác nhau; và khi trích dẫn, sinh viên cần phải trình bày theo phương pháp nào.
Căn cứ vào những tiêu chí ấy, mỗi giáo sư sẽ có một bảng thang điểm riêng. Ví dụ điểm dành cho một bài luận văn nào đó là 100. Nó có thể sẽ được phân bố đại khái như sau:
Xuất sắc (High Distinction) | Giỏi (Distinction) | Khá (Credit) | Trung bình (Pass) | Kém (Fail) | |
Kiến thức | 16-20% | 14-16% | 12-16% | 10-12% | Dưới 10% |
Lập luận | 16-20% | 14-16% | 12-16% | 10-12% | Dưới 10% |
Kết cấu bài | 16-20 % | 14-16% | 12-16% | 10-12% | Dưới 10% |
Diễn đạt (chính tả, cách dùng từ & cách đặt câu) | 16-20% | 14-16% | 12-16% | 10-12% | Dưới 10% |
Trình bày (*) | 16-20% | 14-16% | 12-16% | 10-12% | Dưới 10% |
Tổng cộng | 80-100% | 70-80%** | 60-70%** | 50- 60%** | Dưới 49% |
Chú thích:
* Bao gồm cách trích dẫn và cách ghi các tài liệu được trích dẫn (references) cũng như tài liệu tham khảo nói chung (bibliography).
** Ở đây, tôi lấy số chẵn cho tiện. Thật ra, hạng giỏi phải là 70-79%, khá 60-69% và Trung bình 50-59%. Cũng xin lưu ý là ở mỗi đại học, điểm chuẩn cho mỗi thứ hạng có thể khác nhau. Ví dụ, điểm chuẩn của hạng Xuất sắc (High Distinction), có trường quy định là trên 80; có trường lại quy định là phải trên 85, v.v..
Xin lưu ý: bảng thang điểm ở trên chỉ là một ví dụ. Thường, các giáo sư không công bố bảng thang điểm này cho sinh viên biết. Tuy nhiên, trên thực tế, bất cứ giáo sư nào cũng dựa vào bảng thang điểm ấy để chấm bài. Có điều là tỉ lệ dành cho từng phần có thể thay đổi tuỳ từng giáo sư. Ví dụ, người coi trọng lập luận thì nâng số điểm dành cho phần đó lên cao hơn các phần khác một chút, ví dụ 25% thay vì 20% như trên; hay người coi trọng cách diễn đạt, cách viết văn thì cũng có thể nâng nó lên cao hơn tỉ lệ điểm dành cho các phần kiến thức, lập luận hay kết cấu một chút, v.v..
Cho dù bảng điểm ở trên chỉ là một ví dụ, nhưng nó cũng có thể giúp cho sinh viên hiểu cách chấm điểm của giáo sư thể hiện trong bảng đánh giá đính kèm vào bài luận văn trả lại cho sinh viên. Bảng đánh giá đó đại khái như sau:
Xuất sắc | Giỏi | Khá | Trung bình | Kém | |
Kiến thức | V | ||||
Lập luận | V | ||||
Kết cấu bài | V | ||||
Diễn đạt | V | ||||
Trình bày | V |
Qua bảng đánh giá trên chúng ta thấy:
- Về phương diện kiến thức, bài viết được đánh giá rất cao, thuộc loại xuất sắc, có thể đạt điểm tối đa (ví dụ: 20% của bài luận văn).
- Về phương diện lập luận, bài viết nằm phần cao nhất của “Giỏi”, tức khoảng 15-16%.
- Về phương diện kết cấu, tức đối với yêu cầu về tính hệ thống, bài viết chỉ thuộc mức trung bình của hạng khá, có thể đạt khoảng 13-14%
- Về phương diện diễn đạt, bài viết chỉ ở mức thấp nhất của hạng khá, có thể đạt khoảng 12 %.
- Về phương diện trình bày, bài viết thuộc mức thấp của giỏi, có thể đạt 14%.
Như vậy, cộng tất cả số điểm trên lại, bài viết được khoảng từ 74 đến 76%, tức là nói chung, thuộc loại Giỏi (Distinction).
Nguyễn Hưng Quốc
Chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc.
Nguồn: VOA